Sự nghiệp Nguyễn Lân Cường

Âm nhạc

Năm 10 tuổi, ông được đưa sang Trung Quốc học tại Khu học xá Việt Nam ở Nam Ninh, Quảng Tây; tại đây ông được học âm nhạc với các thầy Túc Nhân Kim (Trung Quốc), Phạm Tuyên, Nguyễn Hữu Hiếu (Việt Nam).[2] Khi hòa bình lập lại tại miền Bắc, ông học tại trường Phổ thông 3A Lý Thường Kiệt (nay là Trường THPT Việt Đức) và bắt đầu sáng tác nhạc. Năm 1960, ông chỉ huy dàn hợp xướng của trường với tác phẩm đầu tay của mình. Tốt nghiệp phổ thông, ông thi vào khoa Sinh vật của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, khi đang học năm thứ nhất ông vẫn lén gia đình, tham gia thi và trúng tuyển vào đội kịch thuộc đoàn nghệ thuật của Bộ Văn hóa cử sang Liên Xô học tập. Vượt qua 3 vòng thi cũng vài trăm thí sinh, ông là một trong 15 thí sinh trúng tuyển, sau đó ông học thêm một năm tiếng Nga tại Trường Bổ túc ngoại ngữ. Nhưng cuối cùng, chuyến du học của đội kịch bị hủy bỏ, ông tiếp tục theo học khoa học, trong số các thí sinh trúng tuyển chỉ có NSND Trọng Khôi còn tiếp tục theo đuổi nghệ thuật.[2][3] Bằng những kiến thức cơ bản được học về âm nhạc, ông nghĩ ra cách ghi nhật ký nghiên cứu khảo cổ bằng những nốt nhạc.

Từ năm 1975-1979 là chỉ huy Dàn nhạc và hợp xướng các cơ quan Trung Ương. Hiện đang chỉ huy Đoàn hợp xướng Hanoi Harmony.

Ông có hơn 70 tác phẩm âm nhạc, gồm hợp xướng và các ca khúc chủ yếu viết cho thiếu nhi, Nguyễn Lân Cường từng giành 18 giải thưởng âm nhạc[4][2] của Hội Âm nhạc Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, (UNICEF), Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Sở Tư pháp Hà Nội, Bộ Tư lệnh Hải quân.[3]

Trong lĩnh vực Âm nhạc, ông giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, Trưởng ban Kiểm tra Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội.[5]

Khoa học

Theo định hướng của bố mẹ, trong gia đình đã có anh trai Nguyễn Lân Tuất làm nghệ thuật, nên ông đi theo ngành Khoa học.[2] Ông học khoa Sinh vật - ngành Động vật có xương sống tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1964, ông tốt nghiệp với khóa luận “Phương pháp nuôi cá mè ở ruộng nước“ nhưng rồi lựa chọn sang làm việc cho ngành khảo cổ học. Nguyễn Lân Cường là Thực tập sinh tại Viện Hàn lâm CHDC Đức (1978-1980) và Viện Hàn lâm Liên Xô (1988-1990)

Ông đạt học vị Phó Tiến sĩ năm 1994 và Phó Giáo sư năm 2002, Ông là Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Khảo cổ học Việt Nam từ năm 2003[6] và nghỉ hưu năm 2007.

Năm 2022 ông được xác nhận Kỷ lục Việt Nam: "Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người Việt cổ Việt Nam: 1.093 cá thể".[1]

Trong lĩnh vực khoa học ông giữ chức Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tác giả phi hư cấu (VANFA).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguyễn Lân Cường http://cucnghethuatbieudien.gov.vn/nguyen-lan-cuon... https://bcdcnt.net/nhac-si/lan-cuong https://hoiamnhachanoi.org/staff-members/lan-cuong... https://www.anninhthudo.vn/post-519046.antd https://www.baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-bin... https://www.bienphong.com.vn/nhac-si-nguyen-lan-cu... https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/997293/lan... https://huc.edu.vn/a/55703/Bao-cao-khoa-hoc-ve-cac... https://vass.gov.vn/noidung/gioithieu/cocautochuc/... https://kyluc.vn:443/tin-tuc/ky-luc/trao-tang-ky-l...